Cây Sả (Cymbopogon) & Kỹ thuật trồng Sả chuẩn hữu cơ

Cây sả có mùi thơm, vị the, cay. Vì vậy, từ lâu nó đã được sử dụng để làm gia vị trong các món ăn hàng ngày ở nhiều nước trên thế giới. Không chỉ phổ biến ở Việt Nam mà ở các nước châu Phi và các nước Mỹ Latinh như Togo, cộng hòa dân chủ Công gô, Mehicô, ..... sả được dùng như trà. 

kỹ thuật trồng sả hữu cơ

Theo Đông y, cây sả có mùi thơm, vị the, cay, tính ấm có tác dụng làm ra mồ hôi, sát khuẩn, chống viêm, hạ khí, thông tiểu, tiêu đờm. Do vậy, cây sả được sử dụng trong các vị thuốc để chữa các chứng đầy bụng, phù nề tay chân, xông giải cảm, chữa ho do cảm cúm, tiêu chảy do lạnh bụng,..... Tinh dầu sả có tác dụng khử mùi, diệt khuẩn mạnh, vì vậy ở một số nước châu Á, tinh dầu sả được biết đến như một loại thuốc diệt côn trùng. 

Theo Tây y, cây sả có chứa nhiều hợp chất có thể chữa được nhiều bệnh tật ở người và gia súc. Vì vậy, nó nhanh chóng được các nhà khoa học chú ý đến và khai thác để sử dụng trong công nghiệp sản xuất dược liệu chữa bệnh cho người và gia súc. 

Ở nước ta có tới 9 loài sả khác nhau, nhưng hiện nay chỉ có một số giống thuộc một số loài được đưa vào sản xuất mà phổ biến nhất là sả chanh và sả java. 

a. Giống sả chanh (cỏ sả)

- Đặc điểm hình thái: Cao khoảng 1,5m, sống lâu năm, mọc thành bụi, phân nhánh nhiều. Thân rễ trắng hoặc hơi tía. Lá dài tới 1m, hẹp, mép hơi ráp, bẹ trắng, rộng. Khi bóc vỏ có mùi hương của chanh. 
- Hàm lượng và chất lượng tinh dầu: 
+ Năng suất tinh dầu: Năm đầu có thể đạt 75kg/ha, những năm sau tăng dần và có thể đạt 200kg/ha. 
+ Sả chanh có hàm lượng tinh dầu 0,25-0,30%, kém hơn nhiều loại sả khác đang trồng ở Việt Nam như sả Java (hay sả xòe, sả đỏ), sả hồng (hay sả rộng). Tinh dầu sả bao gồm hai thành phần chủ yếu là citral (65-85%) và geraniol. 

kỹ thuật trồng sả hữu cơ
Giống Sả Chanh có hàng lượng tinh dầu thấp hơn những giống sả khác

b. Giống sả Java (sả đỏ, sả xoè)

- Đặc điểm hình thái: Cây thân thảo sống dai, mọc thành bụi, có thân mọc thẳng, cao 0,8 - 1,5m. Lá phẳng, hình dải, rất dài, có mép sắc. Chuỳ hoa gồm nhiều chùm mọc đứng. 
- Năng suất, hàm lượng và chất lượng tinh dầu: 
+ Năng suất năm đầu là là 100kg tinh dầu trên 1 hecta, năm thứ 2, thứ 3 cao hơn. 
+ Hàm lượng tinh dầu trong lá tươi thay đổi theo mùa vụ và và chế độ chăm sóc. Vào mùa khô là 0,6 – 1,2 %, mùa mưa là 0,3 - 0,5%, thậm chí có thể đạt đến 1,8%, vào mùa khô và 0,75% vào mùa mưa 
+ Tinh dầu sả Java là chất lỏng màu vàng nhạt, có mùi thơm, thành phần chính là 40-60% citronellal và 20-40% geraniol – hai thành phần quan trọng dùng để sản xuất nhiều loại thảo dược và mỹ phẩm. 

Ngoài ra còn những loại Sả khác gồm có: Sả dịu (Cymbopogon flexuosus), Sả Sri Lanka (Cymbopogon nardus), Sả hồng hay sả hoa hồng (Cymbopogon martinii) ,...
 

Sả được trồng khá phổ biến trong nhân dân mang tính "tự cung, tự cấp". Nếu trồng theo hình thức này thì chỉ cần cuốc vài nhát cuốc, cho một ít phân chuồng mục xuống hố rồi trồng nhánh sả lên, lấp đất nén chặt, tưới nước giữ ẩm là xong, không cần chăm sóc gì đặc biệt lắm.  Nhưng nếu muốn trồng nhiều trên diện rộng để kinh doanh như gia đình nhà bạn thì cũng phải nắm được một số khâu kỹ thuật cơ bản sau đây: 

kỹ thuật trồng sả hữu cơTrồng Sả theo chuẩn hữu cơ là như thế nào?

2.1.1. Thời vụ trồng


Tùy đặc điểm khí hậu của từng khu vực, diễn biến thời tiết mà lựa chọn thời vụ trồng cho thích hợp. Thời vụ trồng thích hợp là thời vụ có các điều kiện thuận lợi nhất cho việc trồng, quá trình sinh trưởng, phát triển của cây sả. Vì vậy, lựa chọn thời vụ thích hợp là công việc rất quan trọng. 
Nước ta, hai miền Nam và Bắc có 2 kiểu khí hậu đặc trưng riêng. Vì vậy thời vụ trồng sả cũng khác nhau:
- Miền Bắc có 2 thời vụ trồng, vụ tốt nhất là vụ xuân (tháng 2, 3) và vụ thu (tháng 8, 9). Vụ xuân có điều kiện thời tiết rất thuận lợi cho tép sả đâm chồi, do đó giảm bớt tỷ lệ chết. Hơn nữa, quá trình sinh trưởng, phát triển của cây sả ở giai đoạn đầu rất thuận lợi. Những nơi ít rét và đủ ẩm độ, có thể trồng sớm hơn (từ tháng 1 đến tháng 3). Vụ thu (tháng 8, 9): Vụ này, nhiệt độ và ẩm độ giảm, vì vậy cây sả phát triển kém hơn vụ xuân, do đó năng suất thấp hơn. 
-  Thời vụ trồng ở miền Nam: nên trồng vào đầu mùa mưa. 

kỹ thuật trồng sả hữu cơ
Mỗi miền Bắc - Nam sẽ có thời vụ trồng sả khác nhau

2.1.2. Dọn cỏ và làm đất 

- Làm đất dễ dàng, cải thiện chế độ ánh sáng, độ ẩm, nhiệt độ trên mặt đất.
- Hạn chế sự cạnh tranh của cây bụi, cỏ dại tạo điều kiện thuận lợi cho cây sả sinh trưởng, phát triển tốt. 
- Lợi dụng triệt để khả năng chống xói mòn, giữ đất, giữ nước sẵn có của thực bì, nhất là nơi đất dốc. 
- Tạo điều kiện thuận lợi cho sinh trưởng của cây, đồng thời bảo vệ và cải tạo đất. Bừa kỹ, đất nhỏ, san phẳng mặt đất. Phơi khô đất. 
- Lên luống: Luống rộng khoảng 1,2-1,4m, cao 15-20 cm, rãnh rộng 30-40cm. Mặt luống không trũng ở giữa đảm bảo thoát nước tốt trong mùa mưa.
+ Ở giữa các đầu luống nên cắm cọc để khi kéo dây tưới không làm dập nát cây giống.
+ Với những nơi có địa hình dốc, lên luống theo đường đồng mức. Sau khi lên luống, có thể rạch hàng hoặc bổ hố để trồng.

2.1.3.  Bón lót 

Để cung cấp dưỡng chất cho đất trồng thì cho mỗi hố 1- 2 kg phân chuồng trộn với lớp đất mặn. Chủ yếu là phân gia súc đã ủ hoai mục và phân hữu cơ chế biến. Phân hữu cơ thường dùng để bón lót vì có thể cung cấp chất dinh dưỡng, làm cho đất tơi xốp, tăng cường hoạt động cho hệ vi sinh vật có ích trong đất. 

2.1.4. Chuẩn bị sả giống

- Sả sinh sản bằng cách đẻ nhánh là phổ biến nhất.
- Nhánh sả dùng để làm giống phải to mập, cứng, không sâu bệnh, dài 20- 30cm, đường kính lớn hơn 0,8cm.

kỹ thuật trồng sả hữu cơ

2.1.5. Trồng sả 

Trước khi trồng, phủ một lớp đất mỏng 1-2cm lên trên phân bón để nhánh sả không bị thối.
Đặt sả giống vào các hốc hoặc rãnh đã bổ sẵn, đặt nghiêng 30 độ so với mặt đất, lấp kín đất, nén chặt đất quanh gốc để gốc sả ngập 4-5 cm. Yêu cầu đặt sâu, lấp nông, giậm chặt.
Sau khi trồng dùng cỏ khô, rơm rạ, lá sả sau khi chưng cất tủ hai bên hàng cây để giữ ẩm.

2.1.6. Chăm bón 

- Trồng dặm
Sau khi trồng 20 - 25 ngày cần tiến hành dặm những chỗ bị khuyết cây.

- Làm cỏ 
Sau khi trồng, cần tiến hành làm cỏ để giảm cạnh tranh về dinh dưỡng, ánh sáng, giảm nguồn cư trú của sâu, bệnh.
Thời điểm làm cỏ: Thường xuyên nhổ cỏ. Sả trồng mới sau khi trồng 40- 50 ngày xới váng diệt cỏ kết hợp.
 Cách làm: Nhổ bằng tay, bằng cuốc. Chú ý: Năm đầu tiên không vun gốc, các năm sau đẻ nhánh đến đâu thì vun đến đó. Để tránh rễ bị đứt, phải xới xa gốc, sâu 6 - 7 cm.

- Tưới nước
 Thời kỳ còn nhỏ:Sau khi trồng, tiến hành tưới nước giữ ẩm để cây mau ra rễ và mọc mầm nhanh (nhất là khi trồng vào mùa khô).
Thời kỳ cây đã lớn:
Cách làm: Nhổ bằng tay, bằng cuốc. Chú ý: Năm đầu tiên không vun gốc, các năm sau đẻ nhánh đến đâu thì vun đến đó. Để tránh rễ bị đứt, phải xới xa gốc, sâu 6 - 7 cm.
  Với những thửa ruộng ở vùng đất thấp, cần có biện pháp thoát nước như làm hệ thống mương, rãnh thoát nước
Với những nơi đất cao, cần chú ý tưới nước, tránh khô hạn, làm khô lá, dẫn tới giảm năng suất và sản lượng tinh dầu.
Khi đất khô, cần chú ý cung cấp nước đầy đủ để duy trì ẩm độ, tăng năng suất và chất lượng tinh dầu.
Phương pháp tưới: Có thể tưới phun mưa hoặc tưới tràn tùy thuộc địa hình.
kỹ thuật trồng sả hữu cơ
Phương pháp tưới nước có thể tưới phun mưa hoặc tưới tràn 
- Bón phân
Sau trồng nếu tưới đủ ẩm thì khoảng 10 - 15 ngày nhánh sả ra rễ, đâm lá non, cần tưới đạm pha loãng 3-5% để tưới. Đối với trồng sả theo hướng hữu cơ, thay vì dùng đạm hoá học (URÊ) thì ta dùng nước tiểu và nước phân chuồng pha loãng tỷ lệ 1:3 để bón cho sả. 
Sau khi trồng được 20-25 ngày, cây bắt đầu sinh trưởng mạnh, tiếp tục bón phân thúc nhẹ phân đạm cho sả. 
Khi cây mọc đều (35-40 ngày sau khi trồng) tiến hành làm cỏ, bón thúc urê 60kg/ha.
Đối với trồng sả theo hướng hữu cơ thì thay ure bằng phân đạm hữu cơ từ phân cá, phân trùn quế,... hoặc các sản phẩm phân nông nghiệp. Giai đoạn này ta có thể dùng nước tiểu và bánh dầu ủ hoai hoặc cây đậu ủ hoai...

- Phòng trừ sâu bệnh
Sả ít bị sâu bệnh hại nhờ đặc tính kháng khuẩn, ngừa sâu bệnh. bệnh thường gặp và gây hại phổ biến nhất là bệnh gỉ sắt.
Nguyên nhân gây bệnh: Bệnh do nấm Puccinia nakanishikii gây ra. Bệnh xuất hiện và gây hại. Trong suốt thời kỳ sinh trưởng của cây từ khi mới mọc cho đến khi thu hoạch. Bệnh gỉ sắt gây hại khá phổ biến ở các vùng trồng sả của nước ta. 
Các biện pháp ngăn chặn đường lan truyền của bệnh:
Trồng sả theo phương pháp thông thường thì ta có thể sử dụng những loại thuốc như: Anvil 5SC; Sumi-Eight 12.5; WPBayfidan 25EC hoặc 250EC; Bamper 250EC. Liều lượng sử dụng theo hướng dẫn trên bao bì, khi phun cần nâng cao cần để thuốc thấm hết hai mặt của lá và từ trên ngọn xuống và và nên phun vào những buổi chiều mát.

Tuy nhiên, trong sản xuất hữu cơ, thay vì dùng thuốc hoá học, ta thay bằng các chế phẩm nông nghiệp sạch như củ riềng ủ với ớt, gừng,... thành dung dịch đậm đặc, sau đó pha với nước rồi xịt đều lên 2 mặt để kháng nấm. Đồng thời không  tưới nước cho sả bằng phương pháp tưới phun mưa. Lựa chọn sử dụng giống sạch bệnh ngay từ đầu. 
 

2.1.7. Thu hoạch sả

Năng suất thu hoạch được từ lá sả trong mỗi lứa phụ thuộc vào những yếu tố sau đây:
- Đất trồng tốt hay xấu.
- Khí hậu (mưa, nắng, gió) qua các tháng trước sau mỗi lứa. - Tình hình chăm sóc ( làm cỏ, xáo, xới...), bón phân...
 Thu hoạch: 
Thời điểm thu hoạch sả tốt nhất: Là lúc cây sả đã có từ 5 - 6 lá trưởng thành. Ngọn lá tính từ ngoài vào trong dài khoảng 5 - 6 cm đã chớm khô, màu lá từ xanh chuyển sang màu vàng.
Cây sả trồng sau 6 tháng, lá đã bắt đầu già, sản lượng tinh dầu cao, có thể thu hoạch được lứa đầu. Nếu cắt sớm quá, hàm lượng tinh dầu trong lá thấp. Nếu thu hoạch muộn quá, lá sả già quá, hàm lượng tinh dầu giảm.
Nếu chăm sóc tốt cứ sau 40 ngày thu hoạch 1 lần. Nên cắt tỉa thường kỳ vì lá non chứa nhiều tinh dầu hơn lá già.
Từ năm thứ hai trở đi, số lần thu hoạch tăng lên (có thể thu từ 05 đến 06 lứa/năm), năng suất và hàm lượng tinh dầu cũng tăng
Sả trồng một lần có thể cho thu hoạch 5 - 6 năm. Năng suất cao nhất vào năm thứ 2, 3 và thứ 4. Sau đó phải trồng lại, nếu không sả sẽ cho năng suất và chất lượng tinh dầu kém.
Trồng một năm có thể thu một lượng tối thiểu là 15 - 18 tấn lá tươi /ha.
Năng suất lá, tỷ lệ tinh dầu của cây sả phụ thuộc nhiều vào yếu tố ngoại cảnh, đất đai, khí hậu, việc đầu tư chăm sóc bảo quản vườn cây tốt.
Chú ý: Nên thu hoạch sả lúc trời nắng. Thời gian thu hoạch lá sả tốt nhất trong ngày là từ 9 - 10 giờ sáng đến 3 - 4 giờ chiều.
Với sả Java, bộ phận thu hoạch là lá. Qua nghiên cứu đã khẳng định, lá vừa đúng lứa chứa nhiều tinh dầu hơn lá già, lá phía trên của cây nhiều tinh dầu hơn lá mọc ở phía dưới cây, phẩm chất tinh dầu của lá phía trên lại kém hơn. Bẹ lá chứa ít tinh dầu hơn phiến lá, 1/3 của lá phía đầu lá chứa nhiều tinh dầu hơn 2/3 phiến lá phía sát gốc. Ngày trời nắng sả có nhiều tinh dầu hơn ngày mưa. Lá héo chứa nhiều tinh dầu hơn lá khô (héo còn 50 % nước).
Khi thu hái lá chú ý không nên cắt sâu quá, cắt cách gốc sả từ 20cm trở lên. Như trên đã xác định bẹ lá cũng như thân cây sả chứa rất ít tinh dầu. Nếu cắt sâu quá vừa tốn công cắt, công vận chuyển, tốn nhiên liệu, chưng cất được ít tinh dầu mà lại ảnh hưởng tới sự sinh trưởng của cây sả. Cây sả bị cắt thâm vào thân, khi bị mưa dễ ngậm nước và bị thối nơi bị cắt, gặp trời nắng cây cũng dễ bị khô và có thể dễ sinh bệnh khô lá.
 

Qua những thông tin cơ bản trên, bạn có thể hình dung được cách người nông dân trồng và chăm sóc sả. Để có nguồn nguyên liệu tốt thì cần tận tụy và dành nhiều tâm sức. Ngay từ đầu trồng và chăm sóc sả theo hướng hữu cơ được Yaris chú trọng và thực hiện nghiêm túc để cho ra những giọt tinh dầu sả chất lượng nhất.

> Tìm hiểu thêm về: Phương pháp chưng cất chưng cất tinh dầu Sả


Giỏ hàng của bạn (0 sản phẩm)
Không có sản phẩm nào trong giỏ hàng của bạn